Swift GPI là gì?Tra cứu trạng thái giao dịch chuyển tiền quốc tế

Swift GPI là gì?Tra cứu trạng thái giao dịch chuyển tiền quốc tế

by

Swift GPI – Tra cứu trạng thái giao dịch chuyển tiền quốc tế

SWIFT GPI giúp người dùng theo dõi được trạng thái giao dịch chuyển tiền quốc tế, nắm được số phí ngân hàng trung gian thu, tra cứu lý do lệnh chuyển tiền bị từ chối và có thể nhanh chóng thực hiện yêu cầu trả lại tiền (recall) đến thẳng ngân hàng đang xử lý mà không cần qua nhiều ngân hàng trung gian.

1. SWIFT GPI là gì?

SWIFT GPI (Global Payments Innovation Initiative – Sáng kiến đổi mới thanh toán toàn cầu) là giải pháp công nghệ mới trong hoạt động thanh toán qua biên giới giữa các ngân hàng thông qua điện toán đám mây của Tổ chức thanh toán quốc tế SWIFT.

SWIFT GPI giúp người dùng theo dõi được trạng thái giao dịch chuyển tiền quốc tế, nắm được số phí ngân hàng trung gian thu, tra cứu lý do lệnh chuyển tiền bị từ chối và có thể nhanh chóng thực hiện yêu cầu trả lại tiền (recall) đến thẳng ngân hàng đang xử lý mà không cần qua nhiều ngân hàng trung gian.

2. Tại sao cần SWIFT GPI?

Một quy trình giao dịch chuyển tiền thông thường qua SWIFT sẽ được thực hiện tuần tự qua các đối tượng liên quan trong chuỗi giao dịch từ: Người chuyển tiền – Ngân hàng người chuyển – Ngân hàng trung gian – Ngân hàng người hưởng – Người hưởng.

Quy trình chuyển  tiền quốc tế giữa các ngân hàng
Quy trình chuyển tiền quốc tế giữa các ngân hàng thông thường

Trong đó, thông tin xử lý điện tại mỗi ngân hàng là hoạt động riêng tư, các đối tượng trong chuỗi không thể biết được tình trạng bức điện chuyển tiền đang hay đã được xử lý ra sao từ lúc khởi tạo cho đến khi hoàn tất.

Người chuyển hoặc người hưởng nếu muốn biết các thông tin như: Số phí các ngân hàng đã thu, số tiền người hưởng được báo có, thời gian báo có, tại sao người hưởng chưa nhận được tiền… đều phải đề nghị ngân hàng tiếp nhận dịch vụ thực hiện tra soát với các ngân hàng khác trong chuỗi để cung cấp thêm thông tin. Điều này rất mất thời gian và phát sinh thêm chi phí.

Với SWIFT GPI, tất cả các thông tin về việc giao dịch đang được xử lý ở đâu, trạng thái xử lý như thế nào, số phí từng ngân hàng thu là bao nhiêu,… đều được công khai cho tất cả các ngân hàng tham gia vào giao dịch. Như vậy, các vấn đề trên trong thanh toán quốc tế được giải quyết dễ dàng.

Thêm nữa, các ngân hàng tham gia vào hệ thống GPI còn phải cam kết thực hiện theo tiêu chuẩn của Swift GPI nhẳm gia tăng lợi ích cho khách hàng như: Tăng tốc độ thanh toán, minh bạch thời gian xử lý và minh bạch về phí giao dịch.

3. Cách SWIFT GPI hoạt động

Trước đây, khi phát sinh 1 lệnh chuyển tiền quốc tế, nếu lệnh chuyển tiền này được chuyển qua nhiều ngân hàng thì mỗi ngân hàng lại có một mã số riêng để theo dõi và quản lý điện. Vì vậy, việc truy vấn các thông tin về điện đó rất mất thời gian.

Cách SWIFT GPI hoạt động

Với SWIFT GPI, mỗi khi phát sinh một lệnh chuyển tiền quốc tế, ngân hàng tạo điện bắt buộc phải tạo ra một mã số theo tiêu chuẩn của SWIFT GPI, mã số này gọi là số UETR. Số UETR này sẽ gắn với điện chuyển tiền từ khi phát sinh đến khi điện có trạng thái cuối cùng. Số UETR này là duy nhất và không hề thay đổi trong suốt quá trình chuyển tiếp điện.

Bên cạnh đó, SWIFT GPI có hệ thống Tracker để các ngân hàng cập nhật trạng thái xử lý điện của ngân hàng mình và truy vấn trạng thái xử lý điện của các ngân hàng khác. Mỗi khi có trạng thái xử lý mới với 1 lệnh chuyển tiền, ngoài việc hiển thị trạng thái mới trên hệ thống, Tracker còn gửi 1 điện tự động về ngân hàng khởi tạo điện để thông báo.

Trước đây, khi ngân hàng muốn yêu cầu hủy điện cần liên hệ với ngân hàng đại lý rồi từ đó ngân hàng đại lý liên hệ với chuỗi ngân hàng tiếp theo để hủy rất mất thời gian. Với SWIFT GPI, khi giao dịch chưa được ghi có, ngân hàng chuyển có thể tạo một yêu cầu recall trên Tracker. Yêu cầu Recall này sẽ lập tức chuyển tới ngân hàng đang xử lý điện mà không phải chuyển tiếp thông tin qua chuỗi ngân hàng trung gian trước đó.

Một lưu ý quan trọng là những ưu điểm trên chỉ áp dụng với những ngân hàng có tham gia hệ thống SWIFT GPI. Nếu trong chuỗi xử lý điện có 1 ngân hàng không tham gia SWIFT GPI thì trạng thái điện sẽ không cập nhật tiếp.

4. Ứng dụng thực tế của SWIFT GPI

Đến thời điểm hiện tại, SWIFT GPI đã triển khai được hơn 2 năm với hơn 4000 tổ chức tài chính đã đăng ký trong đó có 1085 ngân hàng, thanh toán 150 loại ngoại tệ trên toàn thế giới.

Theo thống kê của SWIFT, có đến 95% giao dịch GPI được ghi có cho người thụ hưởng cuối cùng trong vòng 24 giờ và hơn 40% trong vòng 5 phút, trong khi gần 60% được ghi có trong vòng chưa đầy 30 phút, nhanh hơn nhiều lần so với trước đây.

Một số ngân hàng Việt Nam đã tham gia SWIFT GPI: MSB, Vietcombank, BIDV, HDBank, ABBank,…

Lời kết

SWVN đã đưa ra những thông tin chi tiết nhất về SWIFT GPI. Với những phân tích rõ ràng để bạn đọc dễ dàng hiểu và vận dụng phù hợp nhất.

Kết nối với chúng tôi tại fanpage SWVN Chuyentienquoctesieutoc

5/5 – (3 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.